Hướng dẫn kĩ thuật trồng cây gấc cho thu hoạch sản lượng cao. Cách nhân giống, trồng và thâm canh cây gấc được vườn ươm Nông Nghiệp Việt tổng hợp giới thiệu.
Câu Hỏi: Ở quê tôi, cây gấc mọc tự nhiên rất sai quả, tôi muốn trồng gấc nhưng chưa rõ về kỹ thuật thâm canh và lấy giống bằng hạt hay giâm hom. Xin quí báo hướng dẫn cho kỹ thuật trồng và chăm sóc. Nếu trồng bằng hạt thì xử lý hạt như thế nào để cho nứt nanh đồng loạt? Nếu trồng bằng cành giâm hom thì kỹ thuật ra sao, thời vụ nào, dùng loại thuốc kích thích ra rễ nào là tốt nhất?
Trả Lời:
Gấc là cây dễ trồng, có thể trồng được trên nhiều loại đất, từ đất tốt đến đất xấu (đất xấu phải thâm canh tốt, bón nhiều phân, đặc biệt là phân chuồng) nhưng phải thoát nước tốt. Có thể trồng tận dụng nơi góc sân, vườn, bờ ao cho leo lên mái nhà, bờ tường, hàng rào hoặc các cây ăn quả lâu năm đỡ công làm giàn. Tuy nhiên nếu muốn trồng với diện tích lớn để kinh doanh thì nên trồng tập trung có đầu tư thâm canh cả về vật tư và kỹ thuật thật tốt (chọn và nhân giống tốt, bón đủ phân, làm giàn, thụ phấn bổ sung…) thì mới có hiệu quả cao.
Trong mấy năm gần đây phong trào trồng gấc phát triển mạnh ở nhiều địa phương nhằm lấy quả cung cấp cho các nhà máy làm nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm dược liệu hoặc hàng đông lạnh xuất khẩu cho hiệu quả rất cao cho cả người trồng lẫn các doanh nghiệp. Chúng tôi xin nêu kinh nghiệm của ông Mạc Văn Vạng, một người trồng gấc giỏi ở thôn Văn Mạc, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương để tham khảo.
Theo ông Vạng thì cây gấc dễ trồng, không cần cầu kỳ chăm sóc nhiều, chỉ cần giống tốt, bón nhiều phân chuồng và bắc giàn cho nó leo là nó cho nhiều quả. Muốn có giống tốt thì chọn cây cho quả to, sai quả, cơm nhiều, hạt tốt, chất lượng tốt như giống gấc nếp mà cắt cành bánh tẻ để giâm cho ra rễ rồi trồng.
Ngoài các giống gấc nếp, gấc tẻ của ta, hiện nay một số doanh nghiệp đã nhập nội một số giống gấc lai từ Mỹ, Canađa, Séc… về trồng.
Gấc lai có những ưu điểm nổi bật như: long dày, ruột đỏ tím, năng suất trung bình cao gấp 3 lần so với các giống gấc ta. Năm đầu tiên một gốc gấc lai cho thu từ 1,5 đến 2 tạ quả và năng suất cao dần vào những năm tiếp theo, gấc có tuổi thọ từ 10-15 năm nếu được chăm sóc tốt, đốn tỉa đúng kỹ thuật.
Để có năng suất cao nên chọn đất tốt ( đất phù sa), thoát nước. Cuốc xới để ủ nơi định trồng với khoảnh đất khoảng 1m2, sâu độ khoảng 40-60 cm.
Trên một đường thẳng theo hướng gió đã chọn, trồng những cây để làm cọc (như cây gạo, phượng tre, bưởi..) cách 3m trồng 1 cây. Năm đầu và năm thứ hai có thể đóng cọc xen những cây đó để làm giậu. Năm thứ ba những cây kia lớn sẽ thay thế cho cọc. Khi cây gấc phát triển mạnh phải chặt ngọn các cây trồng làm cọc chỉ để phần thân cây cao bằng với tay người lớn (Nếu có điều kiện thì nên dùng trụ bê tông thì tuổi thọ vĩnh viễn và năng suất cao).
Làm giàn
Giàn có thể dựng bằng các cây tạp, tre nứa hoặc cột bêtông. Bên trên gác các cành tre hoặc đan bằng dây thép hoặc dùng dây cước một sợi (đường kính dây khoảng 2mm) đan thành lưới (kích thước mắt lưới: 40cmx40cm), sau đó căng lên giàn. Giàn bằng lưới cước chi phí thấp và có thể giữ được từ 3-5 năm. Cách làm này đang đươc triển khai rộng rãi ở các tỉnh như Hải Dương, Thái Bình … cho hiệu quả kinh tế cao.
Gấc là cây lưỡng tính: hoa đực và hoa cái cùng trên một dây, hoặc trên các dây của cùng một gốc. Việc thụ phấn chủ yếu nhờ gió, sâu bọ, ong bướm,… Để tăng năng xuất, người ta tiến hành thụ phấn nhân tạo. Một trong những cách làm hiệu quả đó là dùng bông ướt lấy phấn trên đầu nhị của hoa đực bôi đều lên đầu nhuỵ của hoa cái vào thời điểm hoa đực và hoa cái đã nở đều.
Nguồn tin: tổng hợp internet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn