Về thôn Ngô Xuyên, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, khi hỏi đến ông Chuyên, mọi người đều nói về ông với giống bưởi được ông lai tạo cho hiệu quả kinh tế cao. Tiếp phóng viên trong căn nhà 2 tầng khang trang, ông Chuyên chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình lai tạo ra giống bưởi mới -
giống bưởi đào chuyên. Ông đi bộ đội từ năm 19 tuổi, sau 4 năm ông trở về quê với ước muốn làm giàu từ mảnh đất quê hương. Ông lấy vợ và bắt tay vào thực hiện hoài bão làm giàu của mình.
Được gia đình cho 60kg thóc để xây dựng cuộc sống mới, vợ chồng ông đã đầu tư số thóc đó vào nấu rượu, nuôi lợn để bước đầu có vốn làm ăn. Đến năm 1993, sau khi đã có được một số vốn trong tay, tận dụng thế mạnh của địa phương nổi tiếng là nhãn lồng, hai vợ chồng ông quyết định đi buôn hoa quả. Sau 7 năm trời tích cóp vốn liếng, ông Chuyên bàn với vợ chuyển sang làm long nhãn.
Vợ chồng ông đã vay thêm của gia đình hơn 200 triệu đồng cùng vốn liếng vợ chồng ông có được để thu mua hơn 5 tạ long nhãn với giá 110.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đúng năm đó thương lái Trung Quốc không mua hàng. Không thể cứ giữ hàng lâu ngày, ông đành bán với giá “rẻ như cho”. “Sau chuyến ấy nhà tôi bị lỗ hơn 400 triệu đồng, suốt những ngày sau đó tôi chán chường vì bao nhiêu vốn liếng vất vả bấy lâu nay bỗng dưng mất sạch”- ông Chuyên chia sẻ.
Quyết vực dậy sau thua lỗ, vợ chồng ông tiếp tục đi buôn hoa quả gây dựng lại sự nghiệp. Trong quá trình đi buôn hoa quả, ông đến các nhà vườn và để ý đến các mô hình trồng
cây ăn quả cho năng suất cao. Vậy là đến năm 2003 ông cải tạo đất ruộng, mở rộng và trồng 2 sào cam canh. Trời chẳng phụ lòng người, năm ấy cam được mùa với giá bán khá cao, nhờ vậy kinh tế của gia đình cũng khấm khá dần lên.
“Trồng cam canh có lời khá cao, tuy nhiên năng suất và chất lượng của quả giảm dần theo các năm. Vì vậy tôi lại tiếp tục mày mò, học hỏi để tìm ra loại quả mới cho chất lượng và năng suất cao hơn” – ông Chuyên kể.
Đến
bưởi Đào Chuyên
Thấy trồng cam canh không thu được lợi nhuận lâu dài, ông đã mày mò tìm hiểu về bưởi. Tuy nhiên, phải trồng giống bưởi nào để cho năng suất và chất lượng cao thì quả là bài toán khiến ông đau đầu.
Năm 2010, qua tìm hiểu sách báo, ông quyết định
thử ghép 2 giống bưởi cổ với nhau. Mày mò tập ghép mắt, ông đã ghép thành công cây bưởi mới. Trồng được 2 năm thì cây bắt đầu cho quả. Quả to, tép bưởi không bị nát, ăn có vị ngọt mát, chất lượng cao hơn hẳn những giống bưởi khác. Những giống bưởi khác thường chất lượng và mẫu mã sẽ giảm nếu như để lâu mà không dùng thuốc bảo quản. Tuy nhiên với giống bưởi mới này, thời gian bảo quản có thể kéo dài từ 3-5 tháng bưởi vẫn ngon, mẫu mã vẫn đẹp mà không cần dùng thuốc.
Bưởi cho quả thành từng chùm, có chùm lên tới 5-6 quả nằm sát dưới gốc cây. Nhờ vậy bưởi được lá che bớt, tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng nên mã quả khá đẹp. Bà con trong vùng đã lấy luôn tên của ông để đặt cho giống bưởi mà ông tự lai ghép được.
Thấy cây bưởi mới có chất lượng cao hơn, cho quả sai hơn những giống bưởi khác, vợ chồng ông Chuyên quyết định mở rộng vườn cây để trồng giống bưởi này. Hơn 2 năm trồng cây gốc, rồi cắt ngọn để ghép mắt, không ít lần bà con hàng xóm bảo ông dại, vì cây sắp đến ngày cho quả lại cắt bỏ để ghép mắt. Mặc những lời xì xào của bà con trong xóm, vợ chồng ông vẫn quyết tâm thử sức mình với giống bưởi mới. “Có những hôm tôi phải ra vườn gọi ông ấy về ăn cơm, chứ không ông ấy ham ở ngoài vườn hơn là ở với vợ con ở nhà” - vợ ông Chuyên kể.
Thành quả sau những năm tháng đánh cược với giống bưởi mới là hiện nay gia đình ông đã có hơn 1 mẫu vườn trồng bưởi, với hơn 400 gốc bưởi lai. Bưởi thu hoạch vào tháng 12 âm lịch có giá bán khoảng từ 50.000-60.000 đồng/quả. Năm 2014, vườn quả cho thu hoạch với năng suất cao, trừ các loại chi phí, thu về khoảng 500 triệu đồng. Bên cạnh việc mở rộng đất để trồng cây, vợ chồng ông còn làm thêm cả cây giống để cung cấp cho bà con với giá bán dao động từ 50.000 - 150.000đồng/cây.
Ông Chuyên mang cho chúng tôi xem một quyển sách với danh sách những số điện thoại mà ông cho biết đó là số của khách hàng
đặt mua cây giống về trồng. Có khách hàng tận trong Nam đặt mua hơn 2.000 cây giống, rồi có cả những chủ vườn ở Bắc Giang cũng tìm về vườn cây của ông để học hỏi.
Nhìn cách ông chăm sóc vườn bưởi, chúng tôi hiểu sau bao năm tháng vất vả, vật lộn để làm giàu thì nay ông đã hoàn thành ước mơ làm giàu từ mảnh đất quê hương của mình. Và chính niềm đam mê
trồng cây ăn quả đã giúp ông thành công được như ngày hôm nay.