Giới thiệu các loại phân Đạm (N) trên thị trường hiện nay

các loại phân đạm hiện nay

Phân loại các loại phân Đạm là cần thiết vì đây là loại phân bón được sử dụng nhiều nhất hiện hiện nay. Nó bao gồm nhiều loại tồn tại dưới dạng hợp chất hóa học. Mỗi loại có độ dinh dưỡng và cách sử dụng khác nhau.

các loại phân đạm hiện nay2

Phân đạm trên thị trường hiện nay loại phổ thông là sản phẩm công nghiệp hóa học cung cấp cho nông dân. Các loại phân này phần lớn là phân đơn có hàm lượng N cao. Một số ít là phân phức. Chúng là loại phân bón hiệu quả nhanh, dễ hòa tan trong nước lạnh 20-25oC

Căn cứ vào gốc chứa đạm mà phân thành hai loại, loại phân đạm có gốc amôn gọi tắt là phân amôn và loại phân đạm chứa gốc nitrat gọi là phân nitrat
Các loại phân đạm ở dạng các hợp chất hữu cơ như Urê, foocmanđêhyt urê và canxi xianamit có chứa NH2 (amin) tuy là chất hữu cơ nhưng dễ tan, dễ phân hủy thành amôn, cây dễ sử dụng không khác gì các loại phân vô cơ khác, lại được sản xuất từ công nghệ hóa học nên được xem là phân vô cơ (mặc dầu đó là các chất hữu cơ) và xếp vào nhóm phân amôn.

1. Các loại phân Amon

Phân chứa chứa gốc amôn có amôn clorua, (A.Cl) Amôn sunfat (A.S hay SA) Diamôn phôtphat (DAP) amôn bicacbonat (A.B.C) và dung dịch amôniac.

Ở  nước ta hiện nay chỉ có 3 loại đầu. Các dung dịch amôn được chú ý sử dụng ở các nước sử dụng phân bón vô cơ nhiều và trình độ cơ giới hóa nông nghiệp cao như Mỹ, Canada, và một số nước Tây Âu nhưng thiết bị đắt tiền chỉ áp dụng cho quy mô nông trại lớn nên không được mở rộng.

1.1. Amôn sunfat.

phan amoni sunphat

Amôn sunfat thường ở dạng kết tinh nhỏ màu trắng, có thể có màu trắng tinh hay trắng ngà do ảnh hưởng của tạp chất. Để phân biệt với các loại phân khác có khi còn được nhuộm màu xanh. Hình dạng tinh thể, màu sắc không ảnh hưởng gì đến tỉ lệ đạm trong phân và hiệu quả của phân. Sự kén chọn phân theo màu sắc và dạng tinh thể không có cơ sở khoa học.

Phân amôn sunfat có chứa 20 - 21% N và 23 - 24% S. Sản xuất càng thâm canh càng bón ít phân hữu cơ, đất càng lưu dễ thể hiện thiếu lưu huỳnh. Dự kiến trong những năm tới nhu cầu bón lưu huỳnh tăng cao và S sẽ được xem như một yếu tố phân bón. Lúc bấy giờ amôn sunfat sẽ được xếp vào phân phức hai yếu tố N với tỉ lệ N-S: 43-45%.

Lưu huỳnh đặc biệt quan trọng cho cây họ thập tự (các loại cải), họ hành tỏi, họ chè (chè, cà phê, ca cao).

Phân amôn sunfat có thể làm chua đất. Muốn khử hết độ chua của 1 tạ amôn sunfat thì phải dùng 1,25 tạ CaCO3 hay 80 kg CaO. Điều bất lợi này rất đáng chú ý ở các vùng đất quá chua và đất phèn. Tuy vậy cũng không nên quá quan tâm vì rằng chỉ phần axit tự do trong phân mới gây chua lâu dài mà phần này rất ít. Sự gây chua do sự hút chọn lọc của cây sẽ giảm nhiều khi tính đến sự hút lưu huỳnh của cây.

Tác dụng gây chua này dễ dàng khắc phục bằng cách dùng kết hợp amôn sunfat với các loại phân lân kiềm như phân lân nung chảy hoặc bột phôtphorit.

Tất nhiên điều bất lợi này sẽ trở thành có lợi đáng kể ở vùng đất có PH quá cao như vùng đất kiềm cực Nam Trung Bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận).

Phần lưu huỳnh khá cao cũng có phần gây nên bất lợi khi bón cho đất lầy thụt giàu hữu cơ. Ở đây do điều kiện yếm khí lưu huỳnh bị khử chuyển thành khí H2S phá hoại rễ lúa, làm rễ lúa đen lại, thối. Cây lúa có hiện tượng giống hệt hiện tượng nghẹt rễ lúa thường gặp. Ở các loại đất này nên thay amôn sunfat bằng urê.

ở các vùng đất mặn sunfat cũng nên hạn chế sử dụng amôn sunfat để tránh tình trạng tăng thêm độ mặn.

1.2. Amôn Clorua.

Amôn clorua là loại phân chứa 22,5-23% đạm amôn và có đến 75% Cl-. Người ta thường không ưa amôn clorua vì gây chua và để lại ion Cl- tồn dư trong đất. Ion Cl-  tích lũy nhiều trong đất có thể gây nên mặn Cl-  và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh vật trong đất.

Mức độ gây chua của HCl cũng tương tự như amôn sunfat và cũng như amôn sunfat độ chua gây ra do amôn Clorua cũng đáng chú ý nhưng không nên quá quan trọng hóa.

Ion Cl- rất dễ di động. Ở vùng nhiệt đới mưa nhiều, nhất là ruộng trồng lúa, sự tồn đọng ion Cl- trong đất không phải là vấn đề đáng quan tâm. Thí nghiệm bón NH4Cl ở nông trường Ninh Hải sau 6 vụ liền không phát hiện thấy ion Cl- tích lũy đáng kể trong đất.

Vai trò của ion Cl- đối với cây trông chưa được nghiên cứu nhiều. Hàm lượng Cl- trong thân lá một số cây còn cao hơn đạm và lân. Ví dụ trong rơm rạ lúa, hàm lượng Cl- là 1,06%, còn đạm là 0,6%, P là 0,09% (S.Yoshida). Ở các nước ôn đới hiệu quả của Cl-thể hiện ở một số cây mì mạch, củ cải đường.

Ở các vùng trồng lúa thâm canh được tưới sau nhiều năm Cl- bị cây hút và bị rửa trôi nên đất nghèo Cl- lẻ tẻ xuất hiện sự thiếu Cl-. Nông dân ta có tập quán bón muối cho ruộng. Chắc rằng hai ion Cl- và Na+ trong muối đều có tác động tích cực.

Vấn đề tác dụng của Cl- đến mức nào, triển vọng cần được xem Cl- là yếu tố dinh dưỡng như S hay không, chắc rằng còn nhiều tranh luận. Nhưng điều có thể khẳng định là bón amôn clorua không gây hậu quả tích lũy Cl- đến mức gây hại như ở các nước ôn đới. Nước ta có bờ biển dài trên  2500 km, có thể sản xuất nhiều muối từ đó có thể sản xuất axit clohydric và amôn clorua.

Các thí nghiệm bón amôn clorua cho lúa so với amôn sunfat hay urê đều cho hiệu quả tương đương có trường hợp còn cao hơn amôn sunfat một cách đáng tin cậy (trường hợp đất phèn và đất mặn sunfat - Lê  Văn Căn).

Tuy nhiên, có một số loại cây nên hạn chế sử dụng amôn clorua. Thuốc lá, thuốc lào amôn clorua làm cho lá thuốc dày và chậm cháy. Hành tỏi gây mùi hôi, khoai tây, cà chua, cỏ chăn nuôi, cà rốt, đậu rau, bắp cải và loại rau khác vì làm tăng hàm lượng nước và làm giảm phẩm vị. Ở các nước phương tây, amôn clorua ít được dùng như phân đơn mà dùng ở dạng phân bón có chứa 2 thành phần amôn clorua và kali nitrat, ít bị chảy nước hơn dùng các loại phân này đơn lẻ.

1.3. DAP - diamôn phôtphat.

Diamôn phôtphat là loại phân phức hai yếu tố ni tơ và phootspho với tỉ lệ 18-20% N và 46-50% P2O5. Vì dân ta chú ý nhiều phần Nitơ trong phân nên loại này thường được xem là phân đạm ở dạng amôn, thực ra loại phân này nên được xem là phân lân thì đúng hơn. 

1.4. Urê.

phan dam ure

Urê là một loại phân đạm ở dạng hữu cơ CO(NH2)2 có chứa 46% N ở dạng amin NH2. Nhà máy phân đạm Bắc Giang sản xuất urê hạt nhỏ, tỉ lệ N 46%, chất lượng không khác gì urê nhập ngoại. Màu sắc trắng hay vàng ngà, hạt to nhỏ không liên quan gì đến chất lượng urê. Để giảm bớt chảy nước urê còn được sản xuất dưới dạng viên nhỏ như trứng cá. Khi bón vào đất, urê phân giải rất nhanh thành amôn cacbonat (NH4)2CO3 và amôn bicacbonat (NH4HCO3). Cây cũng có thể hút được một ít urê ở dạng phân tử nhưng không nhiều lắm.

Vì hiệu quả nhanh như các loại phân hóa học vô cơ khác và gốc cung cấp chủ yếu đạm cho cây là đạm amôn nên thường được xếp vào loại phân vô cơ có chứa amôn. Khi chưa thủy phân urê không bị đất giữ lại, thấm rất nhanh, chỉ sau khi bị thủy phân xong mới bị đất giữ lại như các loại phân amôn khác. Sự thủy phân urê là do hoạt động của loại vi sinh vật phân giải urê, vì vậy tốc độ thủy phân tùy thuộc nhiệt độ, độ ẩm của  đất. Ở đất cát nghèo hữu cơ, thiếu nước hoạt động của vi sinh vật yếu thì sau 7, 8 ngày urê mới bị phân hủy hết. Trên loại đất này bón urê dễ bị mất và không hiệu quả bằng amôn sunfat.

Urê khi mới bị thủy phân, hơi gây kiềm có khả năng khử chua nhưng không cao, khoảng dưới nửa đơn vị PH và chỉ thể hiện trong thời gian ngắn. Phản ứng cuối là gây chua nhẹ. Khí CO2 sản sinh làm cho tỷ lệ CO2 trên mặt đất tăng lên có lợi phần nào cho quang hợp. Urê  không để lại chất thừa nào có hại trừ phần amôn có thể bị rửa trôi vào nước. Do dễ hòa tan không gây hại cho lá cây nên urê thích hợp phun lên lá và dùng để tưới hơn các loại phân đạm khác. Nó có thể được dùng để trộn với các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun lên cây và tưới vào đất.

Trong phân urê thường chưa biurê. Biurê là kết quả của sự hợp thành của hai phân tử urê và giảm đi một phân tử NH3 nếu trong quá trình sản xuất không khống chế được nhiệt độ để tăng quá cao. Tùy theo quy trình công nghệ mà trong urê có chứa lượng biu rê khác nhau. Biurê có thể làm hại cây hoặc làm chết cây nếu tỉ lệ quá cao. Tỷ lệ biu rê 2,5 -3,1 % có thể gây độc cho cây. Mức quy định lượng Biurê tối đa trong phân thương mại phải thấp hơn 1,2%.

Tuy nhiên trường hợp phân có chứa biurê cao cũng không khó khắc phục vì biurê cũng như urê thủy phân nhanh chóng và dễ dàng trở thành amôn cacbonat. Dùng phân urê bón cho đất màu nếu lượng biurê cao sợ gây hại thì chỉ cần trộn phân với đất bột 2 ngày và đem bón, sẽ tránh được hại do biurê. Không phải loại cây nào cũng dễ bị độc do biurê. Các loại hòa thảo, đặt biệt là lúa nước hầu như không bị độc do biurê.

Khác với amôn sunfat phân urê có thể trộn được với phân lân “cứt sắt” (còn gọi là phân lân Tômat hay Toomat sơlăc), phân lân nung chảy nhưng không nên giữ quá lâu.

Urê - lưu huỳnh: là loại sản phẩm mới được đưa ra thị trường. Urê - Lưu huỳnh được sản xuất bằng cách làm cho urê và lưu huỳnh nóng chảy và quyện vào nhau sau đó tạo thành viên. Loại phân này có lý tính tốt, ít chảy nước. 

Sau khi bón vào đất, urê sẽ hòa tan và để lại màng mỏng lưu huỳnh nguyên tố. Lưu huỳnh sẽ bị oxy hóa do lưu khuẩn thành sunfat.

Urê - phôtphat. Để sản xuất loại phân này, người ta cho trộn lẫn hai dung dịch sền sệt urê và điamôn phôtphat trước hoặc trong quá trình tạo viên. Loại phân này có chứa 29% N và 12,7 P (29% P2O5). Loại phân này cũng có thể sản xuất bằng cách cho tác động urê với axit phootphoric. Sản phẩm thu được có chứa 17,7% N và 19,6% P (44,9% P2O5).

Foocmanđêhyt Urê (U.F) là loại phân đạm hiệu quả chậm được tạo thành do tác động urê với anđehyt foocmic. Tùy theo tỷ lệ giữa urê và anđehyt foocmic mà tỉ lệ đạm trong phân khác nhau. Loại phân thông dụng trên thị trường Mỹ có tỷ lệ N 38%, tỷ lệ N tan trong nước nguội 250C là 10%, tỷ lệ N tan trong nước nóng 95-1000C là 28%.

Anđehyt foocmic còn gây tác dụng ức chế hoạt động của các loại vi sinh vật phân giải urê và vi sinh vật nitrat hóa. Nếu trộn urê và anđêhyt foocmic với tỷ lệ 1-1 thì hoạt động phân giải urê và nitrat hóa bị ức chế hoàn toàn.

Càng giảm lượng anđêhyt foocmic thì sự phân giải càng nhanh, đến tỉ lệ 2-1 thì tốc độ phân giải và nitrat hóa gần như urê bình thường và sự nitrat hóa gần như amôn sunfat. Tỷ lệ thông dụng là 1,5 - 1.

1.5. Amôn bicacbonat. (NH4HCO3).

Amôn bicacbonat là loại phân đạm được điều chế từ dung dịch amôniac và khí cacbonic. Vì loại phân này dễ dàng bị phân hủy ở nhiệt độ cao trên 300C và áp suất bình thường nên ít được sử dụng. Từ khi kỹ nghệ bao bì bằng túi poly etylene phát triển loại phân này được chú ý hơn.

Amôn bicacbonat là loại phân kết tinh màu trắng có chứa 17,5% N hòa tan trong nước dễ dàng và tạo ra phản ứng kiềm tạm thời, có thể khắc phục độ chua của đất nhưng khi gốc amôn được cây hút thì phản ứng trở lại trung tính.

Amôn bicacbonat khi bị phân hủy cho khí CO2 tản ra trên lớp không khí gần mặt đất lợi cho quang hợp.

Bón amôn bicacbonat dùng cho ruộng màu cần bón sâu, lấp đất ngay để giảm sự mất amôn. Bón cho ruộng lúa, phân cũng có thể hòa tan trong nước gặp nhiệt độ cao cũng có thể bị mất đạm. Nếu nồng độ không cao sau khi bón làm cỏ sục bùn để phân quyện vào đất số lượng mất đi không nhiều. Các thí nghiệm đối với lúa Việt Nam trong nhiều vụ liền cho thấy hiệu quả của amôn bicacbonat không kém phân amôn sunfat là mấy.

Hiện nay ở một số địa phương Trung Quốc còn có sản xuất loại phân này và có một số được nhập vào Việt Nam theo tiểu ngạch. Amônn bicacbonat được sản xuất xem như sản phẩm phụ của sản xuất urê, tân dụng dung dịch amôn quá loãng không dùng làm urê được.

1.6. Canxi xianamit (CaCN2)

Canxi xianamit có hai loại trắng và xám đen tùy cách sản xuất. đó là một loại phân ở dạng bột có chứa 20-21% ở dạng xianua (CN2) và 20-28% CaO. Kho bón vào đất chuyển thành axit xianamic H2CN2 rồi thành urê, thành amôn bicacbonat nên cũng được xem là phân amôn.

Các sản phẩm trung gian của quá trình phân giải từ canxi xianamit thành amôn bicacbonat như canxi dixianamit axit xianamic đều có thể gây độc cho cây và gia súc cho nên sử dụng khó khăn và chỉ có thể dùng bón lót. Tuy nhiên các chất này lại có thể dùng để trừ diệt sâu, nấm, cỏ dại.

Canxi xianamit có tác dụng khử chua mạnh. Canxi xianamit có thể dùng bón thúc nếu được sử dụng trộn với đất 5-7 ngày trước lúc bón.

2. Các loại phân nitrat.

các loại phân đam

Phân chứa gốc nitrat được sử dụng rất sớm trên thị trường thế giới gồm natri nitrat, canxi-magie nitrat, kali nitrat và amôn nitrat.

Các loại phân nitrat hòa tan rất nhanh cây dễ sử dụng nên rất có lợi cho đất khô hạn nhưng lại rất rễ bị rửa trôi và mất đi, hiệu quả cho vùng mưa nhiều và vùng trồng lúa rất thấp. Phân rất dễ hút ẩm, dễ chảy nước nên gây khó khăn cho việc bảo quản ở vùng nhiệt đới ẩm.

Khó khăn này đến nay nhờ kỹ nghệ chất dẻo phát triển, bao gói bằng chất dẻo không còn tốn kém như trước nữa nên không còn là vấn đề nan giải nữa. Điều làm cho loại phân này ít được ưa chuộng ở vùng này vẫn là sự rửa trôi nhanh chóng của phân trong đất.

2.1. Natri nitrat.

Phân đạm được sử dụng đầu tiên là natri nitrat. Natri nitrat được khai thác từ các mỏ Chile, có chứa 16% N và 25% Na2O và một ít vi lượng đặc biệt là Bo.

Loại phân này ít được sử dụng đơn độc vì tỷ lệ natri cao, khi bón nhiều làm hạt sét bị phân tán, đất bị chai lại như các vùng đất măn. Nó thường được sử dụng làm phân phức có chứa Na và Bo có lợi cho các loại cây lấy đường như mía, củ cải đường, các loại cây lấy củ như củ cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang…

2.2. Canxi nitrat.

Canxi nitrat có nhiều loại, do cách sản xuất và tùy theo lượng nước chứa trong tinh thể. Cũng vì lý do đó mà hàm lượng đạm trong phân thay đổi nhiều. Loại phổ biến nhất là loại ngậm 4 phân tử nước và có hàm lượng Nitơ 15-15,5% và gần 25% CaO. Ngoài ra còn có loại canxi nitrat hỗn hợp với amôn nitrat, loại canxi nitrat có chứa lân. Đó cũng là một cách để phân bớt hút ẩm.

Canxi nitrat rất dễ hút ẩm nên được trình bày ở dạng viên bọc parafin hoặc bọc lưu huỳnh. Tính dễ hút ẩm mạnh làm cho canxi nitrat rất có lợi cho cây trồng vùng khô hạn.

Canxi nitrat là loại phân kiềm mạnh nên rất lợi cho các vùng đất chua. Một tỷ lệ canxi nitrat trong phân phức sẽ là nguồn cung cấp canxi thích hợp cho những vùng đất chua.

2.3. Canxi-magie nitat.

Canxi-magie nitrat được sản xuất bằng cách dùng đolomit kết hợp với axits nitric. Loại phân này có chứa 13-15% N và 8% MgO dễ tan. Loại phân này thường được sử dụng ở các loại đất mà người ta nghĩ rằng thiếu Magie.

2.4. Amôn nitrat.

Amôn nitrat từ lâu là loại phân chiếm vị trí hàng đầu trên thị trường phân bón. Từ khi xuất hiện urê, urê có chiều hướng được ưa chuộng hơn vì địa bàn sử dụng rộng rãi hơn. Urê thích hợp cho đất màu cũng như đất lúa nước, vùng khô hạn cũng như vùng mưa nhiều. Còn nitrat ít khi được dùng cho đất lúa, và vùng đất nhiệt đới mưa nhiều do nitrat dễ bị rửa trôi. Dẫu sao amôn nitrat vẫn được xem là loại phân cung cấp một lúc hai ion amôn và nitrat, đều có lợi cho cây.

Tùy theo tỷ lệ chất phù trợ để tạo viên và giảm sự hút ẩm mà amôn nitrat có tỷ lệ N khác nhau. Chất phù trợ thường dùng là bột CaCO3, bột CaCO3.MgCO3 (đolomit) sét hoặc kaolin. Khi không trộn chất phù trợ và chất bọc viên nó chứa 22% N. Tùy theo tỷ lệ N mà người ta chia ra làm 3 loại amôn nitrat.

- Loại amôn nitrat có tỷ lệ đạm thấp chỉ chứa 64% amôn nitrat và 36% CaCO3, hàm lượng N là 22%. Loại này dùng ở đất chua.

- Loại amôn nitrat có tỷ lệ đạm trung bình 26-27% N.

- Loại amôn nitrat có tỷ lệ đạm cao 33-34,5%.

Ngoài ra còn có một loại sunfonitrat là hỗn hợp giữa amôn sunfat và amôn nitrat có chứa 26% N trong đó có 7% ở dạng nitrat, 19% ở dạng amôn và 15% lưu huỳnh.

Amôn nitrat có 2 ưu điểm chính:

- Không làm chua đất.

- Đối với đất khô hạn thiếu nước hiệu quả cao hơn phân amôn, ban đầu gốc nitrat phát huy hiệu lực, sau đó gốc amôn phát huy hiệu lực tiếp theo.

Loại phân này có hiệu quả tốt đối với các cây ưu nitrat như bông, đây, mía, ngô khoai, cà phê, cao su, cây ăn quả lưu niên. Nhưng nó cũng có một sô nhược điểm:

- Dễ hút ẩm chảy nước nên khó bảo quản.

- Dễ rủa trôi và mất đi nên không thích hợp cho nhẹ và vùng mưa nhiều.

- Ở ruộng lúa nước, phân vừa bị mất đi do bị rửa trôi vừa bị mất đi do hiện tượng phản nitrat hóa. Phân amôn nitrat không phù hợp để trồng lúa nước. vì dễ bị rửa trôi nên bón phân amôn nitrat không nên dùng bón lót nhiều và cần bón nhiều lần.

2.5. Phân kali nitrat.

Là loại phân phức có chứa hai yếu tố phân bón chính N và K: 13% N và 44% K2O. Vì Kali trong phân cao hơn N nên thường dùng như một loại phân kali và dùng để sản xuất các loại phân phức.

3. Các loại phân lỏng có chứa Amôn.

Thị trường phân bón Việt Nam không thuận lợi lắm cho việc tiêu thụ các loại phân lỏng vì cả hai mặt: Phương tiện vận chuyển bảo quản và bón phân chưa có, trang bị mới tốn kém; quy mô trang trại quá nhỏ không tiện sử dụng máy móc bón phân. Sau đây giới thiệu một số loại:

- Amôniac khan: là khí amôniac hóa lỏng ở nhiệt độ -330C và áp suất 20-30 kg/cm2. Phân được dùng loại máy bón đặc biệt kết hợp cùng máy cày đất đưa phân vào độ sâu 12-15 cm khi cày.

- Dung dich phân đạm: trên thương trường có các loại dung dịch amôniac có độ đậm đặc khác nhau và có các loại dung dịch hỗn hợp giữa urê và amôn nitrat và amôniac.

+ Dung dịch chứa urê với tỷ lệ đạm 20-25%.

+ Dung dịch chứa urê, amôn sunfat và amôn nitrat 26% N- tỷ lệ S là 7%.

+ Dung dịch chứa urê và amôn nitrat có chứa 36% N.

+ Dung dịch chứa urê và amôn nitrat có chứa 10% N.

+ Amiacat-dung dịch NH4NO3 kết hợp với NH4OH có chứa 20% N.

- Dung dịch amôniac loãng có chứa 25% NH3 tức 20% N.

Ở các nước phát triển, phân đạm lỏng được chú ý vì các lý do sau:

+ Giảm bớt sức người.

+ Tiết kiệm bao bì.

+ Bón đều và nhanh chóng vì dùng máy.

+ Có thể bón sâu có lợi cho vùng đất khô hạn.

+ Dễ dàng đưa thêm vi lượng, các hocmon và các thuốc trừ sâu hại.

4. Các loại phân đạm hiệu quả chậm.

Công nghiệp hóa học rất lưu tâm sản xuất các loại phân đạm ít hòa tan trong nước để làm giảm bớt tính di động của phân cung cấp từ từ cho cây, còn gọi là phân đạm hiệu quả chậm. Loại phân này có ưu điểm là ít bị mất đi do rửa trôi, do bay hơi, do bị khử thành nitơ tự do và do bị cỏ dại hút. Có 4 phương hướng để giải quyết vấn đề này:

- Sản xuất các loại phân đạm ở dạng hữu cơ phân tử lớn.

- Bọc phân bằng các màng phân hủy từ từ như màng lưu huỳnh.

- Dùng các chất hấp phụ như mùn hữu cơ, các chất sét có khả năng hấp phụ cao.

- Dùng các chất ức chế giáo trình nitrat hóa.

Cho đến nay, cả 4 cách đều chưa tìm được công nghệ hợp lý, giá thành rẻ và hiệu quả cao. Các loại phân đạm hiệu quả từ từ gặp trên thương trường là:

- Phân urê bọc lưu huỳnh và phân urê bọc sét bentonit.

- Phân urê foocmanđehyt là chất chất kết hợp giữa foocmanđehyt và urê. Loại phân thông thường có chứa 38% N.

- Phân phốtphat amôn magie là hợp chất của axit photophoric, NH3 và các loại chứa gốc NH2 như urê, foocmanđehyt urê và magie hydroxit có công thức MgNH4PO4.H2O. Loại phân này có tỷ lệ đạm thấp: 9%N. Đây là loại phân có hai yếu tố phân bón N và P đồng thời cho magie thường dùng để sản xuất phân phức hợp.

- Oxamit là loại hợp chất hữu cơ do kết hợp giữa axit oxalic và các ion amin có công thức COOC(NH2)2. Chất này thủy phân cho NH4OH. Có chứa tỷ lệ đạm 31,8%.

- Crotonilidien diurê là hợp chất của crotoandehyt và urê - sản phẩm có chứa 28% N và izo butianđêhit urê.

Bọc phân urê bằng lưu huỳnh hoặc bằng sét bentonit cho loại phân viên có tỷ lệ N khá cao. Loại phân bọc bằng lưu huỳnh có tỉ lệ 35% N và 19% lưu huỳnh và còn cho thêm một ít dầu diệt khuẩn để làm chậm sự oxy hóa lưu huỳnh thành sunfat.

Các chất có gốc xinua như xianoguanidin có tác dụng ức chế quá trình amôn thành nitrat làm cho phân chậm bị rửa trôi.

   

Nguồn tin: camnangcaytrong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây