Huyện miền núi An Lão (Bình Định) là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu. Hiện nay, một số hộ dân đồng bào Bana được chuyển giao công nghệ trồng cây và bao tiêu sản phẩm.
Bảo tồn "vườn" dược liệu dưới tán rừng nguyên sinh
Nằm trên độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, xã vùng cao An Toàn, huyện miền núi An Lão (Bình Định) ví như Đà Lạt ở Bình Định với khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây hiện có nhiều cây dược liệu quý như: ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, chè dây.
Vừa qua, đoàn công tác của Cục Quản lý y, dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế đến Bình Định để kiểm tra, đánh giá việc nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại huyện An Lão.
Theo TS Trần Thị Liên, Phó phòng Giống dược liệu thuộc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu), vùng đất này có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu, đặc biệt là xã vùng cao An Toàn, nơi còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh.
"Huyện An Lão, đặc biệt là xã vùng cao An Toàn, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu nên cây dược liệu phát triển tốt chẳng thua kém nhiều vùng trồng dược liệu ở miền Bắc", TS Trần Thị Liên nhấn mạnh.
Nguồn sinh kế mới của đồng bào Bana
UBND huyện An Lão thông tin Bidiphar được UBND tỉnh cấp quyền sử dụng đất với diện tích gần 760.000m2 tại huyện này để trồng cây d ược liệu.
Công ty đã chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng cây dược liệu cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Bana tại xã An Toàn. Từ đó, bà con trồng trên đất rẫy và dưới tán rừng với diện tích 21.000m2, hộ trồng ít 2.000m2, hộ trồng nhiều 5.000m2.
"Sau 8 tháng trồng, bà con vừa thu hoạch lứa đầu tiên, đợt này bình quân mỗi hộ thu được khoảng 280-300kg, với giá thu mua 10.000 đồng/kg tươi, bà con phấn khởi lắm. Những đợt sau sản lượng chắc chắn sẽ còn cao hơn", ông Thiệp cho hay.
Chủ tịch UBND An Toàn Đinh Văn Đang cho biết chính quyền xã rất quan tâm tuyên truyền, vận động bà con trồng chăm sóc để tăng giá trị cây dược liệu, góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo TS Trần Thị Liên, huyện An Lão còn nhiều rừng nguyên sinh để phát triển các loại cây bản địa như: hà thủ ô, cây bách bộ, ba kích. Ngoài ra, nghiên cứu trồng đảng sâm hay linh chi cổ cò, đây là loại cây có giá trị rất cao mà phù hợp trồng dưới tán rừng.
TS Liên nhìn nhận, nếu xã An Toàn phát triển mạnh cây dược liệu, đồng bào dân tộc thiểu số ở những xã vùng cao sẽ có cơ hội xóa đói giảm nghèo. Bởi cây dược liệu bao giờ cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại nông sản khác.
"Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại dược liệu, thực trạng này dẫn đến nhiều bất cập. Vì vậy, việc xây dựng những vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO để các doanh nghiệp chế biến dược phẩm chủ động được nguồn nguyên liệu, nông dân thì tăng thêm thu nhập", TS Trần Thị Liên chia sẻ thêm.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Sản phẩm mới