Kinh nghiệm phát triển Nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội là một trong những địa phương bắt tay vào làm Nông nghiệp hữu cơ từ rất sớm, năm 2008.
Ngay từ 2008, Ngành nông nghiệp Hà Nội đã sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến năm 2013, Ngành nông nghiệp Hà Nội đã ban hành những tiêu chuẩn và qui trình sản xuất Nông nghiệp hữu cơ tạm thời.
Từ đó đến nay, Hà Nội liên tục thúc đẩy Nông nghiệp hữu cơ phát triển trên địa bàn. Đặc biệt, từ năm 2018, khi có Nghị định 109 và các Tiêu chuẩn về Nông nghiệp hữu cơ, Nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội có thêm bước phát triển vượt bậc.
Theo ông Tường, việc có được bộ tiêu chuẩn chính thức của Nhà nước đã tạo được sự yên tâm với những người đầu tư làm Nông nghiệp hữu cơ cũng như người tiêu dùng ưu chuộng sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói hcung.
Từ kinh nghiệm phát triển hữu cơ của Hà Nội, ông Tạ Văn Tường cho rằng, thứ nhất, từ chủ thể người sản xuất có niềm đam mê về ngành nông nghiệp muốn đi theo hướng hữu cơ nên bắt đầu đi từ những cơ sở nhỏ, bởi Nông nghiệp hữu cơ cần quá trình dài, cần sự đam mê, tâm huyết, từ đó mới có được sự lan tỏa.
Thứ hai, để Nông nghiệp hữu cơ phát triển được, việc tổ chức theo chuỗi giá trị, tức xác nhận được nhãn hiệu, đăng kí nhãn hiệu và truyền thông tới người tiêu dùng, để sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ đem lại giá trị thực, khác biệt so với các sản phẩm cùng loại thông thường.
Đó là những kinh nghiệm cốt lõi của Hà Nội khi phát triển Nông nghiệp hữu cơ bền vững trong hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Tạ Văn Tường, đâu đó không phải là không có việc phát triển hữu cơ theo phong trào. Phòng trào ở đây có hai nghĩa. Một là phong trào theo trào lưu bề nổi, không đi vào chiều sâu mà đi theo xu thế, sản phẩm tạo ra không thực chất, đó không phải là Nông nghiệp hữu cơ.
Ông Tường lấy ví dụ, có rất nhiều nhãn sản phẩm ghi organic nhưng thực tế không phải nhãn hàng, sản phẩm nào cũng đúng là hữu cơ hay được chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ nên sớm muộn cũng bị thị trường đào thải.
“Nếu phong trào theo hướng tích cực và làm hữu cơ thực sự, trên cơ sở pháp lý đã đầy đủ, người sản xuất tuân thủ chặt chẽ qui trình sản xuất hữu cơ, đưa sản phẩm đó ra, khi đã có mô hình, kết hợp tuyên truyền, lan tỏa mạnh để thành phong trào tốt thì lại rất đáng quý và cần được khuyến khích, tuyên dương”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường.
Ông Tường cho biết thêm, đối với Hà Nội, Ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo thành phố rất mê Nông nghiệp hữu cơ, bởi ngoài việc tạo ra sản phẩm phẩm
sạch, an toàn cho người tiêu dùng còn đem lại cho môi trường của thủ đô tốt hơn.
Hà Nội là một trong những địa phương phát triển Nông nghiệp hứu cơ từ rất sớm, năm 2008. Ảnh: TV.
Hà Nội là một trong những địa phương phát triển Nông nghiệp hứu cơ từ rất sớm, năm 2008. Ảnh: TV.
Khi so sánh giữa chăn nuôi hữu cơ và trồng trọt hữu cơ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tạ Văn Tường cho rằng, đối với trồng trọt, khó khăn là cần mất thời gian dài để chuyển đổi, cải tạo từ đất, từ tiểu vùng khí hậu cần thời gian từ 3 đến 5 năm mà cần làm đúng qui trình mới ra được sản phẩm hữu cơ.
Còn đối với chăn nuôi hữu cơ, khó khăn của vấn đề vật tư đầu vào như: thức ăn, thuốc thú y rồi rất nhiều thứ có phải là hữu cơ hay không vì nó còn liên quan tới nhiều công đoạn, nhiều chuỗi sản xuất khác nhau.
Nhìn về tổng quan, ông Tường nhận định, lĩnh vực trồng trọt sẽ phát triển hữu cơ có thuận lợi hơn. Nhưng nếu đem hai yếu tố này trên cùng một phạm vi như TP. Hà Nội thì Thủ đô phát triển đồng đều cả trồng trọt và cả chăn nuôi hữu cơ.
Theo kinh nghiệm của ông Tạ Văn Tường, nên coi trồng trọt hữu cơ là đầu vào quan trọng phục vụ chăn nuôi hữu cơ và ngược lại. Bởi đa số các mô hình hữu cơ thành công trên thế giới đều phải phát triển song song tuần hoàn cà trồng trọt và chăn nuôi.
Cũng theo ông Tạ Văn Tường, để Nông nghiệp hữu cơ phát triển hiệu quả, bền vững, vấn đề qui hoạch đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Theo đó, cần rà soát vùng nào thực sự thuận lợi cho phát triển Nông nghiệp hữu cơ mới nên làm.
Thứ 2, phát triển các tổ chức chứng nhận có đủ năng lực phân tích, chứng nhận để đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ để đảm bảo minh bạch, chứng nhận nó thực sự là sản phẩm hữu cơ. Làm được như vậy, đương nhiên các nước họ sẽ công nhận sản phẩm hữu cơ của Việt Nam tương đương của họ. Như vậy, sẽ thuận lợi cho xuất khẩu, tạo điều kiện thúc đẩy Nông nghiệp hữu cơ phát triển.
Thứ 3, trên cơ sở qui hoạch, điều kiện chứng nhận cần xây dựng nhãn hiệu, thậm chí phát triển nhãn hiệu chứng nhận về Nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất theo chuỗi rất cần thiết. Cần xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao để chế biến sâu, tinh chế tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao, phát triển dược liệu, đặc biệt là thực phẩm chức năng mang thương hiệu Việt Nam.